Các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sự tổn hại tiến triển của glôcôm góc mở nguyên phát

 

Người dịch: Nguyễn Hà Thanh*

*Bệnh viện Mắt trung ương

(Risk factors for primary open angle glaucoma progression:

what we know and what we need to know)

(Theo: Current Opinion in Ophthalmology, 2008, 19:102-106)

 

Jorge L.Rivera, Nicholas P. Bell and Robert M. Feldman**

**Robert Cizik Eye Clinic, University of Texas Health Science Center, Houston, Texas, USA

 

Glôcôm góc mở đang là vấn đề được nhiều nghiên cứu đề cập tới bởi vì tỷ lệ của căn bệnh này ngày càng gia tăng, hậu quả gây mù cũng tăng lên. Tác nhân gây bệnh phức tạp, khó kiểm soát. Gần đây, nhiều nghiên cứu đưa ra các yếu tố gây thúc đẩy tiến trình của bệnh đó là nhãn áp, cấu trúc nhãn cầu, bệnh mạch máu và gen. Tuy nhiên, việc xác định và hạn chế được những yếu tố trên vẫn còn là vấn đề phức tạp.  

 

 

Hiện nay, căn bệnh glôcôm góc mở nguyên phát là một vấn đề sức khỏe cộng đồng, điều này đã được nhiều tài liệu đề cập tới. Tại Mỹ, ít nhất có 2.250.000 người hiện đang phải chịu đựng căn bệnh này, có khoảng từ 84.000 đến 116.000 người mù hai mắt do glôcôm. Theo dõi trong 20 năm thì tỷ lệ này tăng thêm 9% (1). Theo Kwon (6), sau 22 năm tỷ lệ mù một mắt tăng thêm 19%.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính mỗi năm có thêm 2400000 người được chẩn đoán glôcôm góc mở nguyên phát. Tỷ lệ mù do tất cả các phân loại glôcôm là 5.200.000 người, do glôcôm góc mở nguyên phát là 3.000.000 người.

Glôcôm thực sự đang là căn bệnh gây mù không thể hồi phục trên toàn thế giới.

Glôcôm góc mở nguyên phát thường được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, đã có tổn hại thị trường bởi vì bệnh thường diễn biến âm thầm không có triệu chứng rõ rệt. Khi phát hiện bệnh nếu  không điều trị kịp thời có thể dẫn tới mù lòa. Nhiều bệnh nhân mặc dù không có suy giảm thị lực nhưng thị trường vẫn tiếp tục bị tổn hại.

Gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy cho dù đã được điều trị nhưng bệnh vẫn tiếp tục tổn hại nặng thêm. Tiến triển bệnh của riêng từng bệnh nhân cũng khác nhau dù quá trình điều trị là như nhau.

1. Nhãn áp

Nhãn áp được xem là yếu tố nguy cơ trong tiến triển của bệnh. Việc theo dõi nhãn áp là rất quan trọng trong theo dõi tiến triển bệnh. Nhãn áp được hạ thấp làm giảm nguy cơ tổn hại tiến triển. Ngay cả những bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật, nhãn áp vẫn là yếu tố nguy cơ hàng đầu  gây tiến triển bệnh glôcôm. Sau mổ cắt bè, những trường hợp nhãn áp sau phẫu thuật hạ thấp cũng làm giảm nguy cơ tổn hại hơn là những trường hợp nhãn áp sau phẫu thuật cao. Những thay đổi có thể là rất nhỏ của chỉ số nhãn áp cũng là nguy cơ tiến triển bệnh glôcôm, khi nhãn áp tăng 1mmHg thì nguy cơ tiến triển bệnh glôcôm là 11%. Do đó, việc điều trị hạ nhãn áp là rất cần thiết nhằm giảm tiến triển bệnh. Tuy nhiên, nhãn áp được hạ tới mức nào còn tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh, vào từng bệnh nhân.

Dao động nhãn áp có được xem là yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến tổn hại tiến triển của glôcôm hay không đang là vấn đề được bàn cãi. Một số nghiên cứu cho rằng dao động nhãn áp chỉ là yếu tố nguy cơ trước khi bệnh được phát hiện và điều trị, còn sau khi đã phát hiện bệnh, nhãn áp đã được kiểm soát thì dao động nhãn áp không được xem là yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác lại cho rằng dao động nhãn áp luôn là yếu tố nguy cơ làm bệnh nặng thêm bởi vì  tại những thời điểm nhãn áp cao mà không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây tổn hại tiến triển của bệnh.

2. Độ dày giác mạc trung tâm (central corneal thickness –CCT )

Nhiều nghiên cứu gần đây cho rằng CCT là một yếu tố nguy cơ quan trọng trong chẩn đoán hơn là trong đánh giá tiến triển của glụcụm gúc mở nguyên phỏt. Mỗi thay đổi dù là rất nhỏ của CCT cũng dẫn đến thay đổi của nhãn áp. Khi giác mạc trung tâm mỏng thì chỉ số nhãn áp đo được thấp hơn nhãn áp thực sự. Những trường hợp glôcôm nguyên phát mãn tính đã có tổn hại thị trường tiến triển đôi khi vẫn không được phát hiện khi kèm theo giác mạc trung tâm mỏng do đó CCT trong trường hợp này là nguy cơ của tiến triển glôcôm.      

3. Cấu trúc nhãn cầu

Ngoài độ dày giác mạc trung tâm, nhiều năm qua, mối liên quan giữa tiến triển của glôcôm và cấu trúc nhãn cầu đã được nghiên cứu. Trục nhãn cầu trên bệnh nhân cận thị cũng là yếu tố nguy cơ tiến triển của glôcôm góc mở.

4. Các yếu tố mạch máu

Mạch máu và các thành phần trong máu cũng là một yếu tố liên quan đến tiến triển của glôcôm góc mở. Tốc độ dòng chảy của động mạch trung tâm võng mạc giảm, độ nhớt của máu tăng, tính đàn hồi thành mạch giảm cũng là những yếu tố nguy cơ tác động rõ rệt lên tổn hại của glôcôm. Những bệnh nhân có bệnh tim mạch, đái tháo đường là nhóm có những nguy cơ trên.

5. Gen 

Gen được xem là yếu tố quan trọng trong tiến triển của glôcôm góc mở nguyên phát. Các nghiên cứu về gen và kỹ thuật sinh học đã được nghiên cứu từ nhiều năm nay, nó được coi như chất chỉ điểm của bệnh. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng những bệnh nhân có OPA1 IVS8+32C thường có biểu hiện glôcôm, khác với những người không có gen này thì không có biểu hiện bệnh, sự khác biệt này có nghĩa thống kê. Nghiên cứu này còn chỉ ra rằng yếu tố này còn có ở cả những bệnh nhân chỉ có tổn hại thị trường mà không có nhãn áp cao. Nghiên cứu khác còn chỉ ra rằng đột biến ADN gây ra giảm quá trình hô hấp của các tế bào ở hắc mạc cũng liên quan đến      glôcôm góc mở. Nolan (13) gợi ý rằng chất chỉ điểm sinh học tiềm tàng cho sự tổn hại thị trường còn là sự tập trung của sCD44 trong thủy dịch. Wu (14) báo cáo rằng những bệnh nhân có người ruột thịt bị glôcôm thì nguy cơ bị glôcôm cũng tăng lên. Những nghiên cứu trên cho thấy không còn nghi ngờ về vai trò của gen trong tiến triển của glôcôm.              

6. Kết luận

Gần đây có rất nhiều nghiên cứu về những yếu tố nguy cơ gây tổn hại tiến triển của glôcôm góc mở nguyên phát. Nhưng việc phân ra được mức độ nguy hại của từng yếu tố, phát hiện được yếu tố nào có ảnh hưởng lớn nhất vẫn chưa được sáng tỏ. Tìm hiểu về yếu tố nguy cơ tiến triển glôcôm, chúng ta có thể cải thiện tình trạng của bệnh, làm chậm và ngăn chặn được mù lòa. Ảnh hưởng của các yếu tố đối với riêng từng bệnh nhân là khác nhau. Do đó việc phát hiện được yếu tố nguy cơ nào có ảnh hưởng nhiều nhất để điều chỉnh phác đồ điều trị nhằm hạn chế được tiến triển của bệnh là rất cần thiết.