Hướng tới lễ kỷ niệm 20 năm Quỹ Fred Hollows tại Việt Nam: Bước Chân Fred - 20 năm FHF
Giáo sư Fred Hollows - người thầy, người bạn lớn của ngành nhãn khoa Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm FHF có mặt tại Việt Nam, Hội nhãn khoa Việt Nam trân trọng giới thiệu tóm tắt bài viết “bước chân Fred – FHF 20 năm” của tác giả Mark Overs.
“Tại sao những người Việt bị đục thủy tinh thể không thể tiếp cận kỹ thuật phẫu thuật đục thủy tinh thể hiện đại chỉ vì họ sống ở một nước thuộc thế giới thứ ba?” - Câu nói nổi tiếng của Cố Giáo sư Fred Hollows tại chuyến thăm Việt Nam năm 1992, khi bản thân ông đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo.
Lời hứa và tấm lòng của Giáo sư Fred Hollows với Việt Nam
Năm 1992, GS Fred Hollows đã là một người nổi tiếng tại Úc. Fred muốn giúp đỡ các nước nghèo bên ngoài nước Úc, mà theo ông, cái nghèo không thể ngăn người ta được hưởng những thành quả của y học hiện đại. Ông chủ trương phổ biến phương pháp mổ đục thể thủy tinh (TTT) có đặt thể thủy tinh nhân tạo (IOL) ra các nước đang còn nghèo với chi phí thấp. Và nhờ đó, qua 20 năm, hàng trăm ngàn người mù tại Việt Nam đã được trả lại ánh sáng, từ một lời hứa của GS Fred Hollows một năm trước ngày ông mất.
Tháng 4/1992, Fred dù đang bệnh nặng, vẫn đến Việt Nam để tìm hiểu về tình hình chữa trị bệnh đục thủy tinh thể. Ông thấy rằng đội ngũ phẫu thuật viên nhãn khoa của Việt Nam rất nhiệt thành và đầy tiềm năng. Trong một cuộc gặp tại Hà Nội, trước nhiều cánh tay đưa lên tỏ rõ quyết tâm ham học hỏi, Fred đã hứa: “Tất cả những gì các bạn cần chỉ là được huấn luyện và có đủ trang thiết bị, rồi các bạn sẽ mổ được!”
Ông hứa sẽ trở lại sau 3 tháng để bắt đầu khóa đào tạo.
Cố Giáo sư Fred Hollows đang hướng dẫn bác sỹ Việt Nam tiến hành ca phẫu thuật mổ đục TTT ngoài bao, một kỹ thuật mà ngành mắt Việt Nam đánh giá: làm nên cuộc "cuộc cách mạng nhãn khoa" ở đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước
Lời hứa chuyển giao kỹ thuật: một cuộc cách mạng trong kỹ thuật mổ đục TTT đặt IOL ở Việt Nam
Fred hứa sẽ trở lại Việt Nam tháng 7/1992. Nhưng vào tháng 6, bác sĩ phát hiện một khối u ung thư khác trong người ông cần phải mổ ngay. Dù còn rất yếu, ông tập hợp một nhóm phẫu thuật viên Úc là Stephanie Young, Hugh Taylor, bác sĩ nhãn khoa hàng đầu Nepal Sanduk Ruit và bác sĩ mắt Joe Dalzell để cùng đến Việt Nam.
Tháng 8/1992, đoàn của Fred đến Viện Mắt Trung Ương ở Hà Nội để mở khóa đào tạo. Họ lắp đặt các thiết bị, cải biến lại phòng mổ, và cứ thế, họ huấn luyện cho 10 bác sĩ nhãn khoa.
Sau đó, Fred trở về Úc và ngày càng yếu đi, ông mất vào tháng 2/1993. Quỹ Fred Hollows non trẻ được thành lập (tháng 9/1992) – với nhiệm vụ đầu tiên là làm thế nào để tiếp tục việc đào tạo mổ tại Việt Nam.
Tháng 9/1993, đoàn của bác sĩ Jamie La Nauze, cùng David Moran và Stephanie Young, với bác sĩ Ruit đã đến TP Hồ Chí Minh để huấn luyện cho một nhóm phẫu thuật viên mới phía Nam.
Chính thức, một chương trình hợp tác với Viện Mắt Trung Ương với tên gọi ‘Dự án phòng chống mù lòa Việt Nam’ đã bắt đầu năm 1993.
Chương trình đào tạo dài 7 năm đã được đề ra và hoàn thành vào tháng 6/1999, giúp đào tạo được 322 bác sĩ phẫu thuật từ khắp Việt Nam; 32 người trở thành những người dạy mổ giỏi.
Các khóa tập huấn này có 2 nguyên tắc quan trọng (1) thay vì chỉ đào tạo cho bác sĩ có thâm niên cao, hay có chức vụ hay ở các thành phố lớn, FHF ưu tiên dạy các bác sĩ trẻ có tiềm năng phẫu thuật, gồm cả các bác sĩ ở các tỉnh; và (2) các bác sĩ sau đào tạo phải truyền đạt lại nhũng gì đã học cho các đồng nghiệp khác. Nguyên tắc này xuất phát từ niềm tin của Fred cho rằng việc chuyển giao kỹ thuật là rất cần thiết để dự án trở nên bền vững. Mô hình “huấn luyệnngười-huấn luyện” này sau đó đã trở thành cách thức đào tạo phẫu thuật đặc trưng của FHF ở các quốc gia khác, như Pakistan và Trung Quốc.
Giáo sư Tôn Thị Kim Thanh, phó chủ tịch Hội nhãn khoa Việt Nam, cựu giám đốc của Bệnh viện Mắt TW, từng ví chương trình đào tạo như một "Cuộc cách mạng trong nhãn khoa Việt Nam”. Trước năm 1992, mỗi năm chỉ có 1.000 ca mổ TTT hiện đại được thực hiện tại Việt Nam. Đến năm 2000, con số này đã là 80.000 ca. Hiện nay, mỗi năm có khoảng 200.000 ca phẫu thuật đục TTT hiện đại được thực hiện tại Việt Nam.
"Đây là thành công lớn nhất và đóng vai trò quan trọng nhất trong công tác phòng chống mù lòa ở Việt Nam" – GS Thanh, người từng là một học viên của GS Fred thời ấy cho biết.”
Cố giáo sư Fred Hollows đang khám mắt cho trẻ em nghèo Việt Nam (năm 1992). Trong ảnh là em Giáp (Thanh Hóa) đã được Cố giáo sư Fred Hollows khám, phẫu thuật và mang lại ánh sáng làm thay đổi cuộc đời Giáp, bức ảnh này gắn liền với câu chuyện PCML nổi tiếng, cảm động trong nước và quốc tế cho đến tận hôm nay.
Đáp lại những lời chỉ trích
Kế hoạch của Quỹ nhằm đào tạo tất cả bác sĩ nhãn khoa Việt Nam về kỹ thuật phẫu thuật đục TTT hiện đại đã vướng phải khá nhiều chỉ trích trong giới chăm sóc sức khỏe mắt quốc tế. Cơ quan quốc tế về phòng chống mù lòa (IAPB) cho rằng việc đưa phẫu thuật TTT hiện đại đến các nước đang phát triển vừa tốn phí quá cao mà lại không đảm bảo an toàn.
Chương trình của FHF đã chứng minh điều ngược lại.
Giáo sư James E. Standefer – một bác sĩ nhãn khoa người Mỹ - đã viết về ấn tượng của ông trong tờ Nhãn Khoa Quốc Tế (International Ophthalmology Update - Tháng 10/1995). Ông nhận ra rằng hầu hết các ca phẫu thuật ĐTTT ở Việt Nam sử dụng kỹ thuật hiện đại (mổ ĐTTT ngoài bao (ECCE) và đặt thủy tinh thể nhân tạo) – đều được thực hiện với trình độ tay nghề cao.
Ông ca ngợi thiết kế của chương trình, khi các bác sĩ không chỉ được đào tạo trong môi trường riêng của họ mà còn được sở hữu bản quy trình phẫu thuật chuẩn, một chiếc kính hiển vi và nguồn cung thủy tinh thể nhân tạo. Nhờ vào đó, các bác sĩ phẫu thuật có thể bắt đầu sử dụng kĩ thuật mới ngay lập tức.
Giáo sư Standefer mô tả chương trình đào tạo của FHF tại Việt Nam là một ‘dự án nổi bật và đầy tham vọng’, và nên trở thành hình mẫu cho các nước đang phát triển khác.
Vài năm sau, bác sĩ La Nauze và Mark Gillies cùng các đồng nghiệp đã nghiên cứu tình hình của các bệnh nhân một năm sau khi được phẫu thuật đục TTT hiện đại ở Việt Nam. Nghiên cứu của họ - được công bố trên Tạp chí Nhãn khoa Úc và New Zealand năm 1998 - cho thấy kết quả phẫu thuật tốt và tỷ lệ biến chứng thấp.
Đưa giấc mơ của Fred đến với cộng đồng
Cuối năm 1999, khi Quỹ đã hoàn thành lời hứa của Fred về một chương trình quốc gia đào tạo phẫu thuật đục TTT hiện đại, thì cũng mở ra một giai đoạn mới vươn đến cộng đồng, vượt xa những bước đi ban đầu.
Từ năm 2000, Quỹ đã mở rộng các hoạt động của mình sang lĩnh vực chăm sóc mắt cộng đồng. Bên cạnh việc tiếp tục đào tạo các bác sĩ nhãn khoa, Quỹ hiện còn đào tạo cả các nhân viên chăm sóc mắt và điều dưỡng, kỹ thuật viên. Ngoài ra, còn làm việc và vận động với những nhà lãnh đạo chính quyền và y tế để giúp sức tăng cường các dịch vụ y tế về mắt và đảm bảo mọi người nghèo có thể tiếp cận phẫu thuật đục TTT.
Bé H'Nhi 5 tuổi (phải), bị đục thủy tinh thể bẩm sinh, đã được phẫu thuật lấy lại ánh sáng được Quỹ Fred Hollows hỗ trợ phẫu thuật Đục TTT thông qua chương trình ‘Vì ánh mắt trẻ thơ’ ở Phú Yên. H’Nhi bây giờ làm được tất cả những việc mà các bạn em ở trường vẫn làm, và em có thể nhìn rõ em trai mình lần đầu tiên trong đời. Bé H’Nhi chỉ là một trong hàng ngàn trẻ em nghèo Việt Nam được FHF hỗ trợ, tài trợ.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Phúc – Giám đốc quốc gia FHF Việt Nam hiện nay - cho biết "Bây giờ chúng tôi có rất nhiều hoạt động ở bệnh viện và cả ở cộng đồng. Chúng tôi cũng tác động đến hệ thống chăm sóc mắt - từ cấp tỉnh, huyện đến cộng đồng nói chung. Chúng tôi đào tạo nhân viên ở tất cả các cấp, đồng thời nâng cao nhận thức trong cộng đồng về chăm sóc sức khỏe mắt nhằm ngăn ngừa các vấn đề từ khi chúng chưa kịp xảy ra".
Việc bổ nhiệm bác sĩ Phúc làm Giám đốc Quốc gia vào năm 2003 đã mang lại một sức sống mới cho chương trình của Quỹ tại Việt Nam. Chương trình đã phát triển nhanh chóng để trở thành một trong những chương trình lớn nhất của Quỹ, và là tổ chức đi đầu trong công tác phòng chống mù lòa tại Việt Nam, hiện đang có dự án tại 20 trên 64 tỉnh trên cả nước.
Trong khi rất nhiều các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam tránh xây dựng mới hoặc nâng cấp bệnh viện bởi những dự án này khá khó quản lí, FHF đã đặt ưu tiên vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng vì những công nghệ chăm sóc mắt mới đòi hỏi phải có cơ sở tương xứng.
Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân, cựu Giám đốc Bệnh viện Mắt TW và cũng là cựu Bộ trưởng Y tế, là người đã làm việc chặt chẽ với Fred trong hai chuyến Fred đến Việt Nam. Ông thấy rằng sự hỗ trợ của Quỹ đối với Việt Nam đã được mở rộng và trở nên đa dạng trong hai thập kỷ qua. "Quỹ Fred Hollows đã thiết lập một mạng lưới phòng chống mù lòa phạm vi rộng để mỗi một bệnh nhân đều có thể tiếp cận với dịch vụ chăm sóc mắt chất lượng cao ngay tại nơi họ sống ", ông nói.
Trong những năm gần đây, bên cạnh các hoạt động PCML cộng đồng, tài trợ các trang thiết bị nhãn khoa, đào tạo nâng cao chuyên môn, Quỹ Fred Hollows tại Việt Nam còn hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao năng lực khám chữa bệnh theo hướng bền vững ở nhiều cơ sở nhãn khoa trọng điểm trên phạm vi toàn quốc. Trong ảnh là toàn cảnh Bệnh viện Mắt TW Huế mới đưa vào sử dụng, do FHF tài trợ, hỗ trợ.
Ông Vũ Xuân Hồng, thành viên thường trực của Ủy ban công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam,Chủ tịch của Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị Việt Nam cho biết, hoạt động của Quỹ luôn toàn diện và chú trọng đến địa phương - những nơi cần được hỗ trợ nhất.
Bác sĩ Phúc luôn tin rằng FHF không thể làm tốt công việc nếu không có sự đóng góp của các đối tác trong lĩnh vực chăm sóc mắt tại Việt Nam, cũng như toàn bộ đội ngũ nhân viên của Quỹ. Ông còn chia sẻ thêm:“Chúng tôi luôn cảm thấy thật hạnh phúc được là một phần của Quỹ Fred Hollows, và luôn nỗ lực không ngừng để trả lại ánh sáng cho nhiều người hơn nữa.”
theo FHF VN (Trích dịch từ “In Fred’s Foot Step” của Mark Overs)